Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 đạt 2.686 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản năm 2018 đạt 118 triệu đồng, tăng 2,46 lần so với năm 2008. Tổng sản lượng lúa thực hiện đạt 262.845 tấn, tăng 1,3 lần so với năm 2008; hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng đạt 99,96%, so với năm 2008 chỉ đạt 92,07%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,05%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,36%.
Đối với công tác xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của huyện. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người nông dân. Lĩnh vực trồng trọt tiếp tục phát triển, với cây trồng chủ lực là cây lúa. Diện tích gieo trồng năm 2018 trên 44.675 ha, tăng 1,35 lần so với năm 2008, năng suất bình quân đạt 5,88 tấn/ha, sản lượng lúa bình quân là 262.845 tấn (tăng 1,3 lần so với năm 2008). Trong năm qua, diện tích lúa đặc sản tiếp tục được nhân rộng, chiếm 46,97% diện tích xuống giống. Trong sản xuất lúa đã triển khai xây dựng được mô hình cánh đồng mẫu với diện tích 40 ha tại xã Trường Khánh thời điểm năm 2010. Đến nay, huyện đã mở rộng được 05 xã, với tổng diện tích xuống giống trên 1.394 ha, có 1.366 hộ nông dân tham gia sản xuất. Trong đó, có 02 cánh đồng lớn, với diện tích 630 ha tại xã Trường Khánh, với 576 hộ tham gia; xã Long Đức 615 ha, có 658 hộ tham gia, mô hình cánh đồng lớn đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nông dân ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa, chọn giống chất lượng, xuống giống đồng loạt góp phần giảm chi phí đầu vào cho nông dân.
Chú thích ảnh: Mô hình nhân giống lúa cấp xác nhận.
Bên cạnh, huyện luôn quan tâm phối hợp với các ban, ngành tỉnh triển khai dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), dự án phát triển lúa đặc sản, từ đó nhận thức của bà con nông dân ngày càng được nâng lên trong việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như : giảm giống, giảm phân, giảm thuốc và quan trọng hơn bà con nông dân đã biết chủ động ghi chép nhật ký đồng ruộng để làm cơ sở so sánh tính hiệu quả so với sản xuất truyền thống.
Về lĩnh vực màu và cây công nghiệp ngắn ngày, hàng năm huyện xuống giống gieo trồng từ 4.600 – 5.000 ha rau màu các loại, đồng thời còn chuyển đổi sang trồng cây màu có năng suất và chất lượng cao. Tính đến cuốn năm 2018, tổng đàn bò của huyện đạt trên 5.700 con, tăng 1,86 lần so với năm 2008, đàn heo là 28.773 con, tăng 0,9 lần so với năm 2008, đàn gia cầm là 487.027 con, tăng 2,48 lần so với năm 2008. Toàn huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 940 ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ trên 400 ha, cá nước ngọt trên 500 ha, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8.278 ha.
Có thể nói, trong 10 năm qua, nền nông nghiệp trên địa bàn huyện Long Phú đã và đang phát triển toàn diện theo định hướng sản xuất hàng hóa, diện tích sản xuất lúa cao sản, đặc sản được nâng lên, năng suất và chất lượng được cải tiến, tỷ lệ nông dân sử dụng các giống xác nhận ngày càng nhiều; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất được nâng lên, nhất là trong khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển. Tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu, từng bước hình thành các cánh đồng lớn góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt, thủy sản năm 2018 đạt 118 triệu đồng ( tăng 2,46 lần so với năm 2008). Ở lĩnh vực chăn nuôi đã hình thành được một số trang trại chăn nuôi heo, gà theo hướng công nghiệp, đem lại hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 đạt 2.686 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010).
Thực hiện: Sóc Ca.